Tranh cãi Vụ án Tống Văn Sơ

Phát biểu của luật sư Loseby

Theo nguồn từ Đảng Cộng sản Việt Nam, ấn tượng của luật sư Loseby khi gặp Nguyễn Ái Quốc là "một người thanh niên Việt Nam gầy, xanh, song vẻ cương nghị, sự thông minh trong từng câu nói bằng tiếng Anh và đôi mắt sáng".[39] Luật sư Loseby được cho rằng đã nói với Nguyễn Ái Quốc: "Tôi nhận giúp anh vì danh dự chứ không phải vì tiền".[10][39][40]

Tuy nhiên, không có học giả phương Tây nào xác nhận việc luật sư Loseby nói như vậy với Nguyễn Ái Quốc. Theo các sử gia phương Tây, tổ chức Cứu tế Đỏ Quốc tế (MOPR) đã sắp xếp và trả thù lao cho luật sư Loseby.[13][16][18] Tổ chức Cứu tế Đỏ Quốc tế, với nguồn vốn dồi dào từ Quốc tế Cộng sản, là tổ chức chuyên hỗ trợ giúp đỡ các thành viên cộng sản. Họ "duy trì một lực lượng luật sư trên nhiều quốc gia để tham gia tranh tụng bảo vệ những đồng chí cộng sản của họ khi bị bắt.[16][41][42]

Người liên hệ luật sư Loseby

Theo nguồn của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Tùng Mậu là người đã đến gặp luật sư Loseby nhờ giúp đỡ.[39][40] Nhưng theo nhà nghiên cứu Dennis Duncanson, tổ chức Cứu tế Đỏ Quốc tế đã chủ động liên lạc với luật sư Loseby.[16] Cũng theo Duncanson, có giả thiết cho rằng, một thư ký gốc Việt, tên Ngô Kim Chung (Goh Kim-chiong) làm việc trong văn phòng luật sư của Loseby khi đó đã nói về vụ Tống Văn Sơ này cho ông, nên Loseby quyết định tham gia. Tuy nhiên, theo ông Lung Ting-chang, cũng là thư ký trong văn phòng luật sư Loseby, thì nói rằng ông Ngô là người Phúc Kiến và không có gì liên quan đến Việt Nam.[17] Theo sử gia William Duiker, trong hồi ký, Hồ Chí Minh kể rằng ông và Loseby có một người bạn trung gian (không tiết lộ tên) ở Hồng Kông.[13]

Cái chết của Nguyễn Ái Quốc tại Hồng Kông

Trong giai đoạn 1930–1932, Nguyễn Ái Quốc bị lao phổi rất nặng, cơ thể suy nhược.[26][43] Vào mùa hè 1932, tin tức báo chí về "một người Việt Nam nhỏ bé, có thân thể bị suy nhược vì lao lực và tinh thần của một lãnh tụ" bắt đầu xuất hiện. Hoàng thân Cường Để đã gửi thư cho Tống Văn Sơ khi biết ông bệnh nặng và còn gửi 300 yên để hỗ trợ viện phí. Theo Hồ Tuấn Hùng, tác giả cuốn “Hồ Chí Minh sinh bình khảo” xuất bản năm 2008 tại Đài Loan, Nguyễn Ái Quốc đã thực sự chết vì bệnh lao phổi trong nhà tù Hồng Kông từ tháng 8 năm 1932.[44][45]

Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu khác, thông tin về cái chết của Nguyễn Ái Quốc chỉ là tin giả. Theo các nhà nghiên cứu như Duiker[34] và Quinn-Judge[26], nguồn tin này xuất phát từ Quốc tế Cộng sản. Từ tháng 8 năm 1932, Quốc tế Cộng sản đã chủ động loan truyền tin Nguyễn Ái Quốc đã chết vì bệnh lao phổi trong bệnh viện nhà tù Hồng Kông. Báo The Daily Worker (Anh), xuất bản số ngày 11 tháng 8 năm 1932, đã thông báo tin Nguyễn Ái Quốc chết dưới "sự tàn bạo của chính quyền thực dân" trong nhà tù Hồng Kông.[35] Báo L’Humanité (Nhân Đạo, Pháp) số 12292, ra ngày 9 tháng 8 năm 1932 với tựa: “Nguyễn Ái Quốc, sáng lập viên kiên cường của Đảng cộng sản Đông Dương đã chết trong tù”.[46] Sau khi được thả ra ngày 28 tháng 12 năm 1932, để tránh sự theo dõi của mật thám Pháp, Loseby cũng loan tin rằng Nguyễn Ái Quốc đã chết vì bệnh lao phổi trong bệnh viện. Một số sinh viên người Việt ở Moskva thời điểm đó còn tổ chức lễ tưởng niệm khi nghe tin ông Nguyễn qua đời.[47] Tuy nhiên, tất cả những tin này chỉ nhằm tránh sự chú ý của quốc tế, đặc biệt chính quyền Pháp, đối với Nguyễn Ái Quốc.

Tình trạng đối xử Tống Văn Sơ khi ở nhà tù Hồng Kông

Theo sử gia William Duiker, trong hồi ký của mình[lower-alpha 17], Hồ Chí Minh than phiền rằng ở Hồng Kông, ông bị giam giữ trong điều kiện rất tệ.[43] Trong tác phẩm "Vừa đi đường vừa kể chuyện" tác giả T.Lan có thuật lại hoàn cảnh khi bị giam tại nhà tù Victoria (Hồng Kông)[48]:

Nhà tù Victoria (Hồng Kông) ngày nay
“Mỗi ngày ăn hai bữa cơm gạo xay, một phần tư là thóc. Hôm nay, thức ăn bữa sáng có rau muống, bữa chiều có mắm thối hoặc cá ươn. Hôm sau, để thay đổi “khẩu vị”, bữa sáng có mắm thối hoặc cá ươn, bữa chiều có rau muống. Mỗi tuần được ăn một bữa tiệc: một phần cơm trắng cùng vài miếng thịt bò.”

Đôi lúc ông rơi vào tuyệt vọng rằng ông sẽ không bao giờ được thả. Ông cho biết, thú tiêu khiển của ông khi trong tù là bắt rệp hoặc đọc kinh thánh Cơ Đốc.[48] Nhưng ngoài tác phẩm của T.Lan, chưa có tài liệu nào khác nói về tình trạng đối xử tệ đối với Nguyễn Ái Quốc ở nhà tù Victoria.

Tuy nhiên, theo Duiker, khi ở bệnh xá nhà tù Bowen Road (sau này là Bệnh viện Quân y Anh quốc), ông được ở trong điều kiện thoải mái và thường có khách viếng thăm gồm chính khách và rất nhiều người Châu Âu. Luật sư Frank Loseby thậm chí còn đặt thêm bữa ăn từ một nhà hàng địa phương gần đó mang vô cho ông Hồ.[43]